Nhiều cặp đôi hiện nay đang chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn theo quy định. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro, nguy cơ tan vỡ cũng như hệ quả giải quyết hậu “ly hôn” trở nên khó khăn và phức tạp. Để giải đáp vấn đề về “ly hôn” trong trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn cũng như giải quyết các vấn đề liên quan đến tài sản, con chung thì pháp luật quy định như sau:
Vì lý do sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn là việc nam, nữ tổ chức cuộc sống chung và coi nhau là vợ chồng nhưng không thực hiện đăng ký kết hôn hoặc không được pháp luật công nhận, dẫn đến không có pháp lý ràng buộc mối quan hệ này, dẫn đến khi các bên “ly hôn” do không có ràng buộc pháp lý về mối quan hệ này nên việc ly hôn sẽ không được giải quyết theo quy định.
Theo quy định tại Điều 14 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định “Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng”
Từ đó, trường hợp các bên “ly hôn” trong trường hợp sống chung như vợ chồng thì các bên tự thực hiện chấm dứt quan hệ mà không cần đến chấp thuận của Tòa án.
Tuy nhiên, đối với vấn đề về con và tài sản thì pháp luật lại quy định riêng biệt, cụ thể tại Điều 15, Điều 16 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014:
“Điều 15. Quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
Quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.”
“Điều 16. Giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn
- Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.”
Theo đó, quan hệ giữa cha mẹ và con sẽ vẫn được pháp luật bảo vệ theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, nghĩa là việc giải quyết các quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con đối trong trường hợp nam, nữ chung sống như vợ chồng tương tự như giải quyết các quyền, nghĩa vụ giữa cha mẹ và con trong trường hợp vợ chồng hợp pháp và con.
Tuy nhiên, về vấn đề tài sản thì quan hệ tài sản giữa các bên sẽ được giải quyết theo thỏa thuận và trường hợp không thỏa thuận được thì giải quyết theo pháp luật dân sự và các pháp luật liên quan.