Bản tin pháp luật tháng 8/2021


Kính chào Quý Khách hàng và Quý Đối tác,

Như thường lệ, Công ty Luật TNHH Intelico – Hà Nội giới thiệu đến Quý Khách hàng và Quý Đối tác Bản tin pháp luật tháng 08/2021 gồm có những nội dung chính sau đây: 

Số VB: Nghị định số 78/2021/NĐ-CP

CQ ban hành: Chính phủ

Ngày ban hành: 01/8/2021

Hiệu lực: 15/9/2021

 

 

Nghị định về thành lập và quản lý Quỹ phòng, chống thiên tai

Ngày 01/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2021/NĐ-CP quy định về thành lập và quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai, nguồn tài chính, nội dung chi, đối tượng được miễn, giảm, tạm hoãn đóng góp, quy trình điều tiết, công khai thông tin và thanh quyết toán Quỹ phòng, chống thiên tai.

Quỹ phòng, chống thiên tai hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách có tư cách pháp nhân, con dấu riêng và được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam, bao gồm:

– Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương được Chính phủ thành lập, do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý.

– Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập, do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý.

Nghị định số 78/2021/NĐ-CP thay thế Nghị định số 94/2014/NĐ-CP, Nghị định số 83/2019/NĐ-CP và Nghị định số 94/2014/NĐ-CP.

Số VB: Nghị định số 79/2021/NĐ-CP

CQ ban hành: Chính phủ

Ngày ban hành: 16/8/2021

Hiệu lực: 01/10/2021

 

 

 

 

 

 

Sửa đổi Nghị định về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài

Ngày 16/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 79/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định số 97/2018/NĐ-CP về việc cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ. Trong đó, một số điều được sửa đổi, bổ sung bao gồm:

– Trị giá tài sản bảo đảm: trị giá tài sản bảo đảm tiền vay tối thiểu bằng 120% dư nợ của khoản vay lại đối với doanh nghiệp và bằng 100% dư nợ của khoản vay lại đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

– Không yêu cầu bảo đảm tiền vay: bổ sung đối tượng là Ban quản lý dự án thuộc các Bộ nhận nợ, sau đó chuyển cho UBND cấp tỉnh; bãi bỏ đối tượng trong trường hợp bên vay lại không thực hiện được việc bảo đảm tiền vay bằng tài sản theo quy định của pháp luật.

– Tỷ lệ cho vay lại đối với UBND cấp tỉnh; bổ sung quy định về tỷ lệ cho vay lại đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

– Quy định về quản lý bảo đảm tiền vay; Báo cáo tình hình cho vay lại và tình hình tài chính của bên vay lại; Quản lý rủi ro…

– Bãi bỏ khoản 3 Điều 17 Nghị định số 97/2018/NĐ-CP.

Đối với các chương trình, dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư, cơ chế tài chính, điều kiện cho vay lại trước ngày 01/10/2021 được tiếp tục thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền.

Số VB: Nghị định số 80/2021/NĐ-CP

CQ ban hành: Chính phủ

Ngày ban hành: 26/8/2021

Hiệu lực: 15/10/2021

 

 

 

 

 

Thay thế Nghị định hướng dẫn Luật Hỗ trợ nhỏ và vừa

Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2018 và được hướng dẫn bởi Nghị định số 39/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 11/3/2018). Trên cơ sở điều kiện kinh tế – xã hội hiện nay, Nghị định số 39/2018/NĐ-CP không còn phù hợp. Do đó, ngày 26/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, thay thế Nghị định số 39/2018/NĐ-CP.

Nghị định số 80/2021/NĐ-CP quy định về:

– Tiêu chí xác định doanh nghiệp nhỏ và vừa;

– Hỗ trợ công nghệ, hỗ trợ thông tin, hỗ trợ tư vấn, hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực;

– Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi từ hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị;

– Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đối với hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện trước ngày 15/10/2021 được tiếp tục thực hiện theo nội dung đã được phê duyệt, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được hưởng các hỗ trợ mới theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP. Trường hợp doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ hoặc đề nghị hỗ trợ trước ngày 15/10/2021 nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì nộp lại hoặc bổ sung Hồ sơ đề xuất nhu cầu hỗ trợ theo quy định mới để được xem xét, phê duyệt.

Số VB: Nghị định số 80/2021/NĐ-CP

CQ ban hành: Chính phủ

Ngày ban hành: 26/8/2021

Hiệu lực: 15/10/2021

 

 

 

 

 

 

 

Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo

Đây là nội dung được quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ. Theo đó, khung học phí được quy định như sau:

– Đối với giáo dục mầm non, phổ thông:

+ Khung học phí năm học 2021-2022: HĐND cấp tỉnh quyết định.

+ Khung học phí năm học 2022-2023:

(i) HĐND cấp tỉnh căn cứ vào khung học phí quy định mức sàn, từ đó xác định mức trần học phí đối với từng cấp cơ sở

+ Khung học phí từ năm 2023 – 2024 trở đi: điều chỉnh theo tỷ lệ phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương nhưng không quá 7,5%. UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quyết định mức thu học phí cụ thể nhưng không được vượt quá mức trần.

Trường hợp học trực tuyến (học online), UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh quy định cụ thể mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập theo phân cấp quản lý trên cơ sở chi phí phát sinh thực tế hợp lý, tối đa bằng mức học phí của cơ sở giáo dục đã được ban hành.

– Đối với giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học: Nghị định quy định cụ thể mức trần học phí đối với từng khối ngành, nghề đào tạo.

Ngoài ra, Nghị định còn quy định cụ thể về việc thu, quản lý và sử dụng học phí, chính sách miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập, hỗ trợ tiền đóng học phí, phương thức chi trả; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo khi thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu.

Số VB: Nghị quyết số 97/NQ-CP

CQ ban hành: Chính phủ

Ngày ban hành: 28/8/2021

Hiệu lực: 28/8/2021

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện

Đây là nội dung tại Nghị quyết số 97/NQ-CP được Chính phủ ban hành ngày 28/8/2021. Theo đó, Chính phủ thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch Covid-19. Cụ thể:

– Đối tượng hỗ trợ giảm tiền điện đáp ứng điều kiện sau:

+ Danh sách nhà máy, cơ sở sản xuất được giảm tiền điện do UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác nhận trên cơ sở đăng ký kinh doanh và thực tế sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn và cung cấp cho các đơn vị điện lực, bao gồm:

(i) Nhà máy, cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố tại thời điểm ngày 25/8/2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg và đang duy trì sản xuất công nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản;

(ii) Doanh nghiệp chế biến và bảo quản rau quả;

(iii) Doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ USD.

+ Mua điện trực tiếp từ Tổng công ty Điện lực/Công ty Điện lực thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoặc các đơn vị bán lẻ điện khác.

– Mức hỗ trợ giảm giá điện: giảm 10% tiền điện (trước thuế giá trị gia tăng) trên hóa đơn tiền điện.

– Thời gian hỗ trợ giảm: 03 tháng (từ các kỳ hóa đơn tiền điện tháng 9 đến hết tháng 11/2021).

Các đối tượng khác được giảm giá điện, giảm tiền điện khác được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 02/6/2021 và Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31/7/2021 của Chính phủ.

Số VB: Nghị quyết số 90/NQ-CP

CQ ban hành: Chính phủ

Ngày ban hành: 14/8/2021

Hiệu lực: 14/8/2021

 

Nghị quyết 90/NQ-CP năm 2021 về mua bổ sung vắc xin phòng COVID-19 BNT162 của Pfizer

Hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Một số địa phương đã triển khai tiêm vắc xin cho người dân. Trước yêu cầu triển khai tiêm vắc xin để phòng, chống dịch Covid-19, ngày 14/8/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 90/NQ-CP về việc mua bổ sung vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer.

Theo đó, Chính phủ đồng ý việc Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng hình thức lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt đối với việc mua bổ sung 19.998.810 liều vắc xin phòng Covid-19 BNT162 của Pfizer. Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các nội dung đã trình và khẩn trương tổ chức thực hiện việc mua vắc xin để có vắc xin sớm nhất, nhiều nhất có thể đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch, bảo đảm chất lượng, hiệu quả, chống mọi tiêu cực trong quá trình mua, sử dụng vắc xin.

Số VB: Nghị quyết số 17/NQ-HĐND

CQ ban hành: Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội

Ngày ban hành: 13/8/2021

Hiệu lực: 13/8/2021

 

 

 

 

 

 

Nghị quyết 17/NQ-HĐND năm 2021 quy định về ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí thực hiện hỏa táng đối với người tử vong dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Hà Nội

Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội ban hành Nghị quyết số 17/NQ-HĐND ngày 13/8/2021 quy định về việc ngân sách nhà nước đảm bảo chi phí hỏa táng đối với người tử vong dương tính với SARS-CoV-2 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Theo đó, chi phí hỏa táng tại các cơ sở hỏa táng của Hà Nội do ngân sách nhà nước đảm bảo như sau:

– Chi phí hỏa táng thi hài: 3 triệu/trường hợp; đối với thi hài trẻ em dưới 06 tuổi: 1,5 triệu/trường hợp.

– Chi phí vận chuyển: thanh toán theo số km thực tế.

– Chi phí khác: áo quan (1,25 triệu/trường hợp), túi đồ khâm liệm (500.000 đồng/trường hợp), bình đựng tro cốt (250.000 đồng/trường hợp), lưu giữ bình tro (15.000 đồng/trường hợp/ngày đến hết thời gian giãn cách xã hội, tối đa không quá 365 ngày).

Nguồn kinh phí sẽ được cấp từ Ngân sách thành phố, chi trả trực tiếp cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ xử lý thi hài người tử vong dương tính với SARS-CoV-2.

Nghị quyết có hiệu lực kể từ ngày ký và được Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội báo cáo tại kỳ họp thứ 2 Hội đồng nhân dân thành phố khóa XVI.

Số VB: Thông tư số 06/2021/TT-BCT

CQ ban hành: Bộ trưởng Bộ Công thương

Ngày ban hành: 06/8/2021

Hiệu lực: 25/9/2021

 

Sửa đổi, bổ sung một số điều quy định về thực hiện giá bán điện

Ngày 06/8/2021, Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành Thông tư số 06/2021/TT-BCT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 16/2014/TT-BCT quy định về thực hiện giá bán điện. Theo đó, một số quy định được sửa đổi, bổ sung bao gồm:

– Bổ sung đơn vị bán lẻ điện tại cụm công nghiệp.

– Thay cụm từ “máy biến áp và sản lượng điện” bằng cụm từ “máy biến áp hoặc sản lượng điện”.

– Sửa đổi tiêu đề điều khoản về điều kiện bán buôn điện đối với đơn vị bán lẻ điện.

– Sửa đổi quy định về giá bán buôn điện tổ hợp thương mại – dịch vụ – sinh hoạt, cho khu công nghiệp.

– Trách nhiệm của Cục điều tiết điện lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

– Bãi bỏ cụm từ “phụ trách hộ khẩu”…

Số VB: Thông tư số 10/2021/TT-BXD

CQ ban hành: Bộ trưởng Bộ Xây dựng

Ngày ban hành: 25/8/2021

Hiệu lực: 15/10/2021

Thông tư số 10/2021/TT-BXD hướng dẫn Nghị định 06/2021/NĐ-CP và Nghị định 44/2016/NĐ-CP

Ngày 25/8/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành Thông tư số 10/2021/TT-BXD quy định chi tiết một số nội dung về quản lý an toàn lao động, chất lượng thi công xây dựng công trình và bảo trì công trình xây dựng; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến quản lý an toàn lao động, chất lượng thi công xây dựng công trình và bảo trì công trình xây dựng.

Đối với những công trình được đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định pháp luật trên 08 năm kể từ ngày Thông tư số 10/2021/TT-BXD có hiệu lực, chủ sở hữu hoặc người quản lý, sử dụng công trình có trách nhiệm tổ chức thực hiện đánh giá an toàn công trình lần đầu trong thời gian không quá 24 tháng kể từ ngày Thông tư số 10/2021/TT-BXD có hiệu lực. Đối với công trình còn lại, thời điểm đánh giá an toàn lần đầu được thực hiện sau 10 năm kể từ khi đưa công trình vào khai thác, sử dụng theo quy định pháp luật.

Số VB: Thông tư số 13/2021/TT-NHNN

CQ ban hành: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Ngày ban hành: 23/8/2021

Hiệu lực: 01/9/2021

Sửa đổi Thông tư 26/2013/TT-NHNN về Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

Đây là nội dung được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định tại Thông tư 13/2021/TT-NHNN ngày 23/8/2021. Theo đó, Thông tư số 13/2021/TT-NHNN bổ sung Điều 1a của Thông tư số 26/2023/TT-NHNN như sau: Giảm 50% mức phí thanh toán tại điểm 1.1, 1.2 Mục 1 “Phí giao dịch thanh toán qua Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng” tại Phần III “Phí dịch vụ thanh toán trong nước” – Biểu phí dịch vụ thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành kèm theo Thông tư này trong khoảng thời gian từ ngày 01/9/2021 đến hết ngày 30/6/2022.”

Thông tư số 13/2021/TT-NHNN bãi bỏ Thông tư số 19/2020/TT-NHNN ngày 30/12/2020 của Thống đốc Ngân hành Nhà nước.

Số VB: Thông tư số 11/2021/TT-BYT

CQ ban hành: Bộ trưởng Bộ Y tế

Ngày ban hành: 19/8/2021

Hiệu lực:  từ ngày 19/8/2021 đến hết ngày 31/12/2022

 

 

 

Hướng dẫn đăng ký lưu hành vắc xin phòng Covid-19 trong trường hợp cấp bách

Hiện nay, số ca nhiễm của Việt Nam đang liên tục đạt những kỷ lục buồn. Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, việc tiêm vắc xin là nhu cầu cấp bách của người dân Việt Nam trong phòng, chống dịch Covid-19, do đó việc lưu hành vắc xin phòng Covid-19 là cần thiết. Vì vậy, ngày 19/8/2021, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư số 11/2021/TT-BYT hướng dẫn đăng ký lưu hành vắc xin phòng Covid-19 trong trường hợp cấp bách.

Theo đó, Thông tư quy định về việc:

– Hồ sơ, thủ tục cấp, gia hạn, thay đổi, bổ sung giấy đăng ký lưu hành vắc xin.

– Yêu cầu về dữ liệu lâm sàng trong hồ sơ đăng ký để bảo đảm an toàn, hiệu quả vắc xin.

– Miễn một, một số giai đoạn thử vắc xin trên lâm sàng, vắc xin phải thử lâm sàng giai đoạn 4 tại Việt Nam.

Đối với những hồ sơ đăng ký lưu hành vắc xin phòng Covid-19 đã nộp cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ trước ngày 19/8/2021 nhưng đang trong quá trình giải quyết thì được áp dụng các quy định có liên quan tại Thông tư số 11/2021/TT-BYT theo hướng thuận tiện cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân.

Số VB: Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT

CQ ban hành: Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Ngày ban hành: 17/8/2021

Hiệu lực: 02/10/2021

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ban hành danh mục máy móc, thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dùng, nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được

Đây là nội dung được quy định tại Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT ngày 17/8/2021, áp dụng đối với các hàng hóa trong nước đã sản xuất được trong phạm vi cả nước, đối tượng áp dụng như sau:

– Người nộp thuế theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Thuế giá trị gia tăng.

– Cơ quan hải quan, công chức hải quan.

– Tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan đến hàng hóa nhập khẩu.

– Cơ quan, tổ chức có liên quan đến việc thực hiện quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Luật Thuế giá trị gia tăng.

Ngoài ra, 09 Danh mục được ban hành kèm theo Thông tư bao gồm:

(i) Danh mục phương tiện vận tải chuyên dùng trong nước đã sản xuất được;

(ii) Danh mục máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong nước đã sản xuất được;

(iii) Danh mục vật tư xây dựng trong nước đã sản xuất được;

(iv) Danh mục nguyên liệu, vật tư, linh kiện, phụ tùng thay thế trong nước đã sản xuất được;

(v) Danh mục linh kiện, phụ tùng xe ô tô trong nước đã sản xuất được;

(vi) Danh mục vật tư cần thiết cho hoạt động dầu khí trong nước đã sản xuất được;

(vii) Danh mục nguyên liệu, vật tư, bán thành phẩm cho đóng tàu trong nước đã sản xuất được;

(viii) Danh mục máy móc, thiết bị, nguyên liệu, vật tư, linh kiện ngành viễn thông – công nghệ thông tin, nội dung số, phần mềm trong nước đã sản xuất được;

(ix) Danh mục giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật trong nước đã sản xuất được.

Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT thay thế Thông tư số 01/2018/TT-BKHĐT ngày 30/3/2018.

Số VB: Thông tư số 70/2021/TT-BTC

CQ ban hành: Bộ trưởng Bộ Tài chính

Ngày ban hành: 12/8/2021

Hiệu lực: 01/10/2021

 

 

 

 

 

 

 

 

Mức thu, chế độ thu, nộp, miễn, quản lý và sử dụng phí sử dụng đường bộ

Nội dung này được Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định tại Thông tư số 70/2021/TT-BTC ngày 12/8/2021.

Theo đó, đối tượng chịu phí sử dụng đường bộ là các phương tiện giao thông cơ giới đường bộ đã đăng ký, kiểm định để lưu hành (có Giấy chứng nhận đăng ký xe và biển số xe, giấy chứng nhận kiểm định), bao gồm xe ô tô, xe đầu kéo và các loại xe tương tự, trừ trường hợp: xe bị hủy hoại do tai nạn, thiên tai, bị tịch thu hoặc bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký xe, biển số xe, xe kinh doanh vận tải tạm dừng lưu hành liên tục từ 30 ngày trở lên, xe bị mất trộm trong thời gian từ 30 ngày trở lên…

Ngoài ra, các phương tiện được miễn phí sử dụng đường bộ bao gồm:

– Xe cứu thương.

– Xe chữa cháy.

– Xe chuyên dùng phục vụ tang lễ.

– Xe chuyên dùng phục vụ quốc phòng.

– Xe chuyên dùng của các đơn vị thuộc hệ thống tổ chức của công an nhân dân.

Thông tư còn quy định về mức thu phí, phương thức tính, nộp phí, chứng từ thu phí, quản lý và sử dụng phí, trả lại hoặc bù trừ phí đã nộp…

Thông tư số 70/2021/TT-BTC thay thế Thông tư số 293/2016/TT-BTC. Các nội dung khác liên quan đến việc thu, nộp, quản lý, sử dụng, chứng từ thu, công khai chế độ thu phí sử dụng đường bộ không quy định tại Thông tư số 70/2021/TT-BTC sẽ thực hiện theo quy định tại Luật Phí và lệ phí, Nghị định số 120/2016/NĐ-CP , Nghị định số 126/2020/NĐ-CP và Thông tư số 303/2016/TT-BTC.

Số VB: Thông tư số 05/2021/TT-BTTTT

CQ ban hành: Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông

Ngày ban hành: 16/8/2021

Hiệu lực: 01/3/2022

 

 

 

 

 

Thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G – Phần truy nhập vô tuyến

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Thông tư số 05/2021/TT-BTTTT ngày 16/8/2021 quy định mã Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị trạm gốc thông tin di động 5G – Phần truy nhập vô tuyến là QCVN 128:2021/BTTTT. Theo đó, quy chuẩn bao gồm những nội dung sau:

– Quy định chung: phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, tài liệu viện dẫn, giải thích từ ngữ, chữ viết tắt.

– Quy định kỹ thuật: yêu cầu chung, các yêu cầu kỹ thuật đối với trạm gốc 1-C, 1-H, 1-O, 2-O, yêu cầu hiệu năng trạm gốc 5G.

– Phương pháp đo: độ không đảm bảo đo, phương pháp đo kiểm trạm gốc 1-C, 1-H, 1-O, 2-O, phương pháp đo kiểm các chỉ tiêu về hiệu năng.

– Quy định về quản lý.

– Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân.

– Tổ chức thực hiện.

– Kèm theo Quy chuẩn là 04 Phụ lục (A, B, C, D) và 01 Thư mục tài liệu tham khảo.

Lộ trình áp dụng Thông tư số 05/2021/TT-BTTTT như sau: kể từ ngày 01/7/2022, thiết bị trạm gốc di động 5G nhập khẩu và sản xuất trong nước phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại QCVN 128:2021/BTTTT trước khi lưu thông trên thị trường.

CÁC VĂN BẢN CÓ HIỆU LỰC ÁP DỤNG KỂ TỪ THÁNG 8/2021:

Xem thêm tại: Văn bản pháp luật có hiệu lực trong tháng 8 năm 2021

Mọi thắc mắc xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH Intelico – Hà Nội

E.mail: vanphong@luatintelico.com.vn

ĐT: 0916.598.866 – 024.3537.3699

Leave a Reply

Your email address will not be published.