Câu hỏi: Ông X, bà T sinh được 02 người con là anh A, anh B, chị C. Bà T mất năm 1997, ông em X mất năm 2018. Ông X, bà T mất để lại di sản là một mảnh đất nhưng không có di chúc.
Mảnh đất của ông X, bà T do anh B sử dụng. Anh A, chị C nghe tin anh B và vợ đã làm sổ đỏ mà anh em trong nhà không hề biết. Năm 2019, cả gia đình cùng bàn bạc đi đến nhất trí, anh B để lại cho anh A một phần đất trên mảnh đất của ông bà để lại, nhờ chính quyền UBND xã và địa chính lập thành văn bản, có chữ kí của anh A, anh B cùng với UBND và địa chính. Trên văn bản có ghi rõ: khi nào anh B xây xong nhà sẽ trả lại mặt bằng cho anh A sử dụng. Tuy nhiên, sau khi xây nhà xong, anh B vẫn không chịu giao lại mặt bằng đó cho anh A. Từ đó cho tới nay gia đình đã nhiều lần đề nghị chính quyền xã giải quyết mà không được. Vậy, anh A cần làm gì?
Trả lời có tính chất tham khảo:
Cảm ơn Quý Khách hàng đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Intelico – Hà Nội. Theo thông tin Quý Khách hàng cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:
Trước hết, Quý Khách hàng cần lưu ý một số nội dung sau:
Theo thông tin cung cấp, mảnh đất do ông X, bà T để lại được coi là di sản thừa kế và được phân chia cho tất cả các đồng thừa kế theo pháp luật (do ông X, bà T không để lại di chúc). Việc phân chia được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn.
Trong trường hợp của Quý Khách hàng, khi anh B thực hiện thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất, cần phải có biên bản phân chia thừa kế của tất cả các đồng thừa kế. Các đồng thừa kế theo pháp luật của ông X, bà T gồm: anh A, anh B, chị C và các đồng thừa kế khác nếu có. Theo thông tin cung cấp, khi anh B đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, anh A, chị C không biết, vì vậy, gia đình có thể chưa lập biên bản phân chia di sản thừa kế.
Từ những phân tích nêu trên, có thể thấy, việc đăng ký sang tên quyền sử dụng đất của anh B là chưa trình tự, thủ tục quy định của pháp luật.
Thứ hai, biên bản do gia đình lập với nội dung anh B sẽ để lại cho anh A một phần mảnh đất và chỉ có chữ ký của anh A, anh B, Ủy ban nhân dân xã và địa chính xã. Do vậy, chưa thể coi đây là biên bản phân chia thừa kế vì chưa có sự đồng ý của tất cả các đồng thừa kế của ông X, bà T.
Bên cạnh đó, mảnh đất là di sản do ông X, bà T để lại, để tránh phát sinh mâu thuẫn, cả ba anh em (và các đồng thừa kế khác nếu có) nên thỏa thuận để phân chia di sản theo quy định của pháp luật về thừa kế. Các thừa kế có thể lập văn bản phân chia di sản thừa kế với nội dung như trước đây đã thống nhất là anh A và anh B được hưởng một phần di sản đó hoặc thỏa thuận lại. Các bên có thể yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản.
Nếu không thỏa thuận được, anh A có thể yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.
Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Intelico – Hà Nội dựa trên thông tin Quý Khách hàng cung cấp, ý kiến tư vấn có thể không còn phù hợp trong trường hợp thông tin bạn cung cấp thay đổi. Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý, vui lòng liên hệ theo hotline 024.35373699 để được tư vấn cụ thể.
Trân trọng./.