Yêu cầu chia di sản là quyền sử dụng đất

Câu hỏi: Cụ T và cụ Tr có tài sản chung là thửa đất diện tích 200m² tại xã T, huyện H, thành phố H. Năm 1998, cụ Tr mất, không để lại di chúc. Năm 2000, cụ T cho con trai và con dâu là ông T và bà L.A diện tích 200m² nêu trên.

Năm 2006, gia đình bà L.A làm thủ tục kê khai di sản thừa kế tại UBND xã T, tổ chức họp gia đình và được sự chấp thuận của cụ Nguyễn Thị T cùng tất cả thành viên trong gia đình (các con của cụ Tr và cụ T, cụ T – những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất) về việc ông T và bà L.A nhận diện tích 200m2. Quá trình thực hiện thủ tục kê khai niêm yết tại UBND xã T, các thành viên không có ý kiến gì về việc khai nhận trên. Kết thúc thủ tục, UBND xã T xác nhận diện tích trên sử dụng ổn định lâu dài không có tranh chấp, khiếu nại, khiếu kiện. Sau đó, bà L.A và ông T được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất 200m².

Năm 2015, hai ông bà ly hôn, thống nhất sử dụng tài sản chung là diện tích 200 m2 để trả cho các khoản nợ chung. Năm 2016, bà Nguyễn Thị C (con gái cụ T và cụ Tr) có đơn khởi kiện chia thừa kế đối với thửa đất bà L.A và ông T đã được cấp Giấy chứng nhận năm 2006. Vậy, bà C khởi kiện yêu cầu chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất như vậy có phù hợp không?

Trả lời có tính chất tham khảo: Cảm ơn Quý Khách hàng đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Intelico – Hà Nội. Theo thông tin Quý Khách hàng cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:

Thứ nhất, khi bà L.A và ông T được cụ T cho diện tích 200m2 đất có sự đồng ý của toàn thể gia đình. Theo thông tin cung cấp, năm 2005, bà L.A và ông T tổ chức họp gia đình, tất cả thành viên đều thống nhất về việc gia đình bà L.A được nhận diện tích 200m², những người liên quan không có ý kiến gì. Hơn nữa, từ khi lập biên bản họp gia đình đến khi bà C khởi kiện yêu cầu chia thừa kế, các ông bà này không hề có bất kỳ ý kiến phản đối nào. Như vậy, kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (2005) cho đến khi phát sinh vụ việc ly hôn của bà L.A và ông T cùng với việc phải chuyển nhượng diện tích đất này để trả các khoản nợ, bà C và những người đồng thừa kế khác cũng không ai có khiếu nại gì về việc nhận đất, xây nhà này. Bên cạnh đó, khi UBND xã T tiến hành niêm yết, không phát sinh bất kỳ khiếu nại, tranh chấp nào của những người liên quan.

Thứ hai, tại thời điểm ông T, bà L.A được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo quy định tại Khoản 6 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003, đối với trường hợp đất đã được sử dụng từ trước thời điểm có hiệu lực của Luật Đất đai năm 2003 – trước ngày 01/07/2004, được UBND xã T xác nhận là không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Do đó, bà L.A và ông T cần thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là phù hợp quy định pháp luật (biên bản họp gia đình; các giấy tờ, hồ sơ khi đề nghị cấp Giấy chứng nhận,…).

Ngoài ra, Quý Khách hàng có thể tham khảo Án lệ số 03/2016/AL với nội dung khái quát như sau: “Trường hợp cha mẹ đã cho vợ chồng người con một diện tích đất và vợ chồng người con đã xây dựng, nhà kiên cố trên diện tích đất đó để làm nơi ở, khi vợ chồng người con xây dựng nhà thì cha mẹ và những người khác trong gia đình không có ý kiến phản đối gì; vợ chồng người con đã sử dụng nhà, đất liên tục, công khai, ổn định và đã tiến hành việc kê khai đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì phải xác định vợ chồng người con đã được tặng cho quyền sử dụng đất”.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Intelico – Hà Nội dựa trên thông tin Quý Khách hàng cung cấp, ý kiến tư vấn có thể không còn phù hợp trong trường hợp thông tin Quý Khách hàng cung cấp thay đổi. Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý, vui lòng liên hệ theo hotline 024.35373699 để được tư vấn cụ thể.

Trân trọng./.

Leave a Reply

Your email address will not be published.