Đòi lại đất đã nhờ người khác đứng tên trên sổ đỏ?

Câu hỏi: Năm 2019, ông A có mua 01 mảnh đất có diện tích 200 m2 tại tỉnh X. Tuy nhiên, vì một số nguyên nhân nên ông A đã chuyển tiền nhờ anh họ là ông T mua mảnh đất này và nhờ ông T đứng tên sổ đỏ. Đến năm 2020, ông A yêu cầu ông T nhượng quyền sử dụng thửa đất đã nhờ ông T mua năm 2019 thì ông T không thực hiện mà bảo sổ đỏ họ đứng tên thì là đất của ông T, ông A không có quyền gì đối với thửa đất này. Vậy trong trường hợp này ông A phải làm gì để đòi lại mảnh đất đó?

Trả lời có tính chất tham khảo: Cảm ơn Quý Khách hàng đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Intelico – Hà Nội. Theo thông tin Quý Khách hàng cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:

Theo Khoản 16 Điều 3 Luật Đất đai năm 2013: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là chứng thư pháp lý để Nhà nước xác nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất hợp pháp của người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất”. Như vậy, theo quy định này, việc ông T đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là căn cứ xác định ông T là chủ sở hữu hợp pháp của thửa đất đó.

Để đòi lại được thửa đất, trước tiên ông A cần phải thỏa thuận với ông T để ông T tự nguyện trả lại phần đất đó. Trong trường hợp hai bên đạt được thỏa thuận, các bên sẽ tiến hành chuyển nhượng hoặc tặng cho thửa đất tại Tổ chức hành nghề công chứng và sau đó tiến hành thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại Điểm a Khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai năm 2013.

Nếu hai bên không thỏa thuận được, ông T không trả lại thửa đất đó, ông A có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân nơi có đất để đòi lại thửa đất. Khi khởi kiện ra Tòa án, ông A cần phải thu thập các tài liệu, chứng cứ chứng minh ông A đã cho ông T đứng tên hộ trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bởi lẽ Khoản 1 Điều 91 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định: “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình phải thu thập, cung cấp, giao nộp cho Tòa án tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu đó là có căn cứ và hợp pháp”).

Các tài liệu, chứng cứ có thể là: người làm chứng; văn bản thỏa thuận về việc đưa tiền cho ông T và nhờ ông T thay mặt ông A mua đất và nhờ đứng tên hộ; giấy tờ chứng minh số tiền chuyển về Việt Nam để mua đất; xác minh của người làm chứng;… Khi có đủ các tài liệu, chứng cứ nêu trên thì Tòa án sẽ xem xét các tình tiết để giải quyết vụ việc, bảo vệ quyền và lợi ích của các bên.

Như vậy, để đòi lại được thửa đất đã nhờ người khác đứng tên giúp mình mất nhiều thời gian và công sức, tiềm ẩn nhiều rủi ro nên để có thể tự bảo vệ được quyền lợi của mình, cá nhân không nên nhờ người khác đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Intelico – Hà Nội dựa trên thông tin Quý Khách hàng cung cấp, ý kiến tư vấn có thể không còn phù hợp trong trường hợp thông tin Quý Khách hàng cung cấp thay đổi. Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý, vui lòng liên hệ theo hotline 024.35373699 để được tư vấn cụ thể.

Trân trọng./.

Leave a Reply

Your email address will not be published.