Yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng không xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu

Bộ luật dân sự 2015 cũng như các văn bản pháp luật chuyên ngành khác có quy định cụ thể về điều kiện để có hiệu lực của giao dịch dân sự, hợp đồng dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế còn tồn tại nhiều giao dịch cũng như việc xác lập giao dịch không đảm bảo về điều kiện có hiệu lực theo quy định. Vì vậy, để giải đáp thắc mắc vấn đề liên quan đến xử lý giao dịch vô hiệu và hậu quả pháp lý, bài viết này làm rõ một số vướng mắc thực tế xảy ra khi giải quyết những vụ việc dân sự về tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Bên cạnh đó, bạn cũng có thể liên hệ với Luật sư tư vấn để được giải đáp, xử lý triệt để những vưỡng mắc, khó khăn gặp phải ngoài những nội dung của bài viết này.

  1. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

Điều 117 Bộ luật dân sự 2015 quy định

“Điều 117. Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự

  1. Giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:
  2. a) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
  3. b) Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
  4. c) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
  5. Hình thức của giao dịch dân sự là điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.”

Từ đó, một hay nhiều giao dịch dân sự được coi là hiệu lực trước tiên phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về chủ thể, nội dung và hình thức. Ngoài các điều kiện chung theo quy định của pháp luật dân sự, điều kiện về hiệu lực của hợp đồng còn được quy định cụ thể tại các văn bản pháp luật chuyên ngành như pháp luật đất đai, xây dựng, đấu giá,…tùy vào nội dung, mục đích các bên xác lập giao dịch. Trường hợp các giao dịch dân sự không đáp ứng một trong các điều kiện này, giao dịch dân sự xác lập có thể bị vô hiệu theo quy định từ Điều 122 đến Điều 130 Bộ luật dân sự 2015 và Tòa án là cơ quan có thẩm quyền tuyên bố một hay nhiều giao dịch dân sự là vô hiệu.

  1. Trường hợp trong vụ án dân sự, đương sự yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu nhưng không yêu cầu xử lý hậu quả thì Tòa án có giải quyết hậu quả hay không?

Điều 5 Bộ luật tố tụng dân sự quy định về quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự, đây là một trong những nguyên tắc cơ bản của tố tụng dân sự. Theo đó, đương sự có quyền quyết định việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự. Tòa án chỉ thụ lý giải quyết vụ việc dân sự khi có đơn khởi kiện, đơn yêu cầu của đương sự và chỉ giải quyết trong phạm vi đơn khởi kiện, đơn yêu cầu đó.

Tuy nhiên, trên thực tế có những vụ án mà Tòa án có quyền giải quyết những vấn đề khác bên ngoài yêu cầu khởi kiện của đương sự, như vậy có trái với nguyên tắc nêu trên hay không? Trong vụ án dân sự về Tuyên bố hợp đồng vô hiệu cũng có những thắc mắc liên quan, để giải đáp thắc mắc này, tại Công văn số 01/2017/GĐ-TANDTC, Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn “Khi giải quyết vụ án dân sự có yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án phải giải thích cho các đương sự về hậu quả pháp lý của việc tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Việc giải thích phải được ghi vào biên bản và lưu vào hồ sơ vụ án. Trường hợp Tòa án đã giải thích nhưng tất cả đương sự vẫn không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu thì Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu mà không phải giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu; trừ trường hợp đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba”

Như vậy, trong trường hợp có yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu nhưng đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả thì sẽ được Tòa án giải thích về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu, trừ trường hợp hợp đương sự không yêu cầu giải quyết hậu quả hợp đồng vô hiệu nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba. Tuy nhiên, trên thực tế không phải Tòa án, thẩm phán nào cũng sẽ giải thích chi tiết với các đương sự về vấn đề này, do đó để quyền và lợi ích của các đương sự được bảo vệ tối đa, các đương sự nên tìm đến các đơn vị, tổ chức, cá nhân am hiểu pháp luật để được tư vấn và đưa ra yêu cầu Tòa án giải quyết hiệu quả nhất.

Leave a Reply

Your email address will not be published.