Hòa giải có phải là thủ tục bắt buộc trước khi Tòa án thụ lý không?

Câu hỏi: Ngày 05/07/2021, tôi gửi đơn khởi kiện đến Tòa án nhân dân huyện A kiện đòi tài sản. Ngày 25/07/2021, Tòa án nhân dân huyện A gửi thông báo cho tôi về quyền được lựa chọn hòa giải, đối thoại và lựa chọn Hòa giải viên. Vậy Luật sư cho tôi hỏi, thủ tục hòa giải trước khi Tòa án thụ lý vụ án có bắt buộc không? Nếu tôi tham gia thì tôi phải mất chi phí gì?

          Chúng tôi xin cảm ơn sự tin tưởng của Quý Khách hàng với Công ty Luật TNHH Intelico – Hà Nội. Căn cứ trên thông tin Quý Khách hàng cung cấp, chúng tôi xin đưa ra các ý kiến pháp lý như sau:

I. Căn cứ

– Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

– Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020;

– Nghị định số 16/2021/NĐ-CP.

II. Nội dung

1. Hòa giải không phải là thủ tục bắt buộc trước khi Tòa án thụ lý vụ vic

         Thứ nhất, theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, không có quy định về việc bắt buộc phải thông qua thủ tục hòa giải trước khi Tòa án thụ lý vụ việc.

        Thứ hai, Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự – khoản 2 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020.

        Khi Tòa án thông báo về quyền được lựa chọn hòa giải và lựa chọn Hòa giải viên, người khởi kiện được quyền từ chối hòa giải – điểm b khoản 4 Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại năm 2020, khi đó Tòa án chuyển đơn để xử lý theo quy định tố tụng.

           Do đó, việc hòa giải tại Tòa án không phải là thủ tục bắt buộc trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự.

2. Chi phí tham gia hòa giải trước khi Tòa án thụ lý vụ án

           Trường hợp người khởi kiện và người bị kiện đồng ý hòa giải (điểm a khoản 4, điểm a khoản 8 Điều 16 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020), Hòa giải viên sẽ tiến hành hòa giải tại Tòa án.

        Căn cứ Điều 9 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án năm 2020, chi phí hòa giải tại Tòa án do ngân sách nhà nước bảo đảm. Các bên tham gia hòa giải phải chịu chi phí trong trường hợp sau:

          – Chi phí hòa giải đối với tranh chấp về kinh doanh, thương mại có giá ngạch, bao gồm: Chi thù lao cho Hòa giải viên, chi phí hành chính phục vụ việc hòa giải (chi văn phòng phẩm, nước uống, cước phí bưu chính, viễn thông phục vụ trực tiếp việc hòa giải) là 2.000.000 đồng/01 vụ việc – khoản 1 Điều 4 Nghị định số 16/2021/NĐ-CP.

         – Chi phí khi các bên thống nhất lựa chọn địa điểm hòa giải, đối thoại ngoài trụ sở Tòa án; chi phí khi Hòa giải viên xem xét hiện trạng tài sản liên quan đến vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính mà tài sản đó nằm ngoài phạm vi địa giới hành chính của tỉnh nơi Tòa án có thẩm quyền giải quyết có trụ sở.

         – Chi phí phiên dịch tiếng nước ngoài.

        Như vậy, Quý Khách hàng không bắt buộc phải tham gia buổi hòa giải theo Thông báo của Tòa án. Căn cứ trên tình hình thực tế, Quý Khách hàng xem xét quyết định đồng ý/không đồng ý hòa giải trước khi Tòa án thụ lý.

         Lưu ý: Quý Khách hàng phải trả lời bằng văn bản/hình thức khác cho Tòa án biết về nhưng nội dung đã được Tòa án thông báo trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo của Tòa án.

        Trên đây là giải đáp của Công ty Luật TNHH Intelico – Hà Nội về câu hỏi của Quý Khách hàng. Nếu Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý, vui lòng liên hệ ngay đến hotline 024.3537.3699 để được tư vấn và hỗ trợ.

Leave a Reply

Your email address will not be published.