Trình tự, thủ tục để khởi kiện vụ án dân sự

1. Quyền khởi kiện:

Khi xét thấy quyền và lơi ích hợp pháp của mình hoặc của người khác, lợi ích công cộng và lợi ích của Nhà nước bị xâm phạm, cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền tự mình hoặc thông qua người đại diện hợp pháp để khởi kiện vụ án dân sự tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền để yêu cầu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp.

Để khởi kiện vụ án dân sự, người khởi kiện nộp Đơn khởi kiện theo mẫu số 23 – DS ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP ngày 13/01/2017 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các tài liệu chứng cứ chứng minh quyền và lợi ích hợp pháp mà người khởi kiện bị xâm phạm.

2. Hình thức nộp đơn khởi kiện:

Điều 190 BLDS 2015 quy định, người khởi kiện có thể gửi Đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ hiện có đến Tòa án có thẩm quyền theo các hình thức sau:

– Nộp trực tiếp tại Tòa án;

– Gửi đến Tòa án theo đường bưu điện;

– Gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Trường hợp nộp trưc tiếp, người khởi kiện có thể trực tiếp hoặc thông qua người đại diện hợp pháp của mình thực hiện nộp Đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ và ngày khởi kiện là ngày nộp đơn khởi kiện tại Tòa án. Trường hợp nộp đơn khởi kiện thông qua đường bưu điện thì ngày khởi kiện là ngày được ghi trên dấu của tổ chức bưu chính nơi gửi đi. Trường hợp gửi qua hình thức trực tuyến thì ngày khởi kiện là ngày gửi đơn trên hệ thống dữ liệu của Tòa án.

3. Tiếp nhận đơn khởi kiện:

Bộ phận tiếp nhận đơn của Tòa án sẽ nhận đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp.

Bộ phận tiếp nhận đơn nhận Đơn khởi kiện do người khởi kiện nộp trực tiếp hoặc gửi qua dịch vụ bưu chính và ghi vào sổ nhận đơn; trường hợp Tòa án nhân đơn bằng hình thức trực tuyến được hướng dẫn tại Điều 17 Nghị quyết 04/2016/NQ-HĐTP.

Xác nhận việc tiếp nhận Đơn khởi kiện và tài liệu chứng cứ kèm theo:

+ Trường hợp nhận trực tiếp, Tòa án cấp giấy xác nhận đã nhận đơn cho người khởi kiện;

+ Trường hợp nhận thông qua đường bưu điện, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn, Tòa án gửi thông báo nhận đơn cho người khởi kiện;

+ Trường hợp nhận thông qua hình thức trực tuyến, Tòa án thông báo ngay việc nhận đơn cho người khởi kiện qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

4. Xử lý Đơn khởi kiện:

  a) Phân công thẩm phán:

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khởi kiện, Chánh án Tòa án phân công một Thẩm phán xem xét đơn khởi kiện.

b) Xem xét, giải quyết đơn khởi kiện:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét đơn khởi kiện và ra một trong các quyết định:

+ Yêu cầu sửa đổi, bổ sung đơn khởi kiện theo quy định tại Điều 193 BLTTDS 2015;

+ Thụ lý vụ án theo nếu vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết theo Điều 195 BLTTDS 2015;

+ Chuyển đơn khởi kiện cho Tòa án có thẩm quyền và thông báo cho người khởi kiện nếu thuộc thẩm quyền của Tòa khác;

+ Trả lại đơn khởi kiện nếu thuộc các trường hợp theo Điều 192 BLTTDS 2015;

c) Thông báo hoặc ban hành các quyết định giải quyết kết quả xử lý đơn cho người khởi kiện.

– Trường hợp sửa đổi, bổ sung Đơn khởi kiện, người khởi kiện thực hiện sửa đổi, bổ sung những nội dung Thẩm phán đề nghị sửa đổi, bổ sung trong thời gian không quá 1 tháng và có thể được gia hạn thêm 15 ngày nếu thuộc trường hợp đặc biệt.

– Trường hợp Tòa án xét thấy Đơn khởi kiện đã đầy đủ, người khởi kiện thực hiện nộp tiền tạm ứng và nộp biên lai thu tiền cho Tòa án để Tòa án ra Thông báo thụ lý vụ án. Sau khi Tòa án thụ lý, Vụ án chuyển tiếp sang các giai đoạn tố tụng tiếp theo theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự.

* Lưu ý: Trường hợp Tòa án trả lại Đơn khởi kiện, người khởi kiện có quyền khiếu nại, kiến nghị đến Tòa án hoặc Viện kiểm sát nếu xét thấy việc trả lại Đơn khởi kiện là không có căn cứ, vi phạm pháp luật tố tụng dân sự. Quy trình khiếu nại, kiến nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị về việc trả lại đơn khởi kiện được thực hiện theo quy định tại BLTTDS 2015.

Leave a Reply

Your email address will not be published.