Vướng mắc về việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện trong vụ án dân sự

Quyền quyết định và tự định đoạt của đương sự về việc khởi kiện, yêu cầu Tòa án giải quyết vụ việc dân sự là một trong những nguyên tắc cơ bản của pháp luật tố tụng dân sự và được quy định cụ thể tại Điều 5 BLTTDS 2015. Vậy, trong quá trình giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án, đương sự được quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện như thế nào?

Thực tiễn cho thấy, nhiều vụ án dân sự có đương sự liên tục thay đổi, bổ sung về yêu cầu giải quyết tranh chấp sau khi Tòa án thụ lý vụ án hoặc thay đổi sau khi Tòa án ra Quyết định đưa vụ án ra xét xử sở thẩm.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 70 BLTTS năm 2015 thì đương sự có quyền thay đổi, bổ sung yêu cầu của mình trong quá trình Tòa án giải quyết vụ án. Tuy nhiên không phải trường hợp nào việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự cũng được Tòa án chấp nhận.

Thực tiễn xảy ra, ban đầu khi nguyên đơn đưa ra yêu cầu Tòa án giải quyết chỉ dựa trên những tài liệu chứng cứ nguyên đơn có tại thời điểm đưa ra yêu cầu nhưng trong quá trình giải quyết, thu thập, công khai chứng cứ phát hiện ra thêm những quyền lợi hợp pháp của mình bị xâm hại mà những yêu cầu ban đầu không bảo vệ được hết. Do đó, trong trường hợp này, nguyên đơn cần phải thay đổi, bổ sung yêu cầu thì mới bảo vệ được toàn bộ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Vì vậy, câu hỏi đặt ra, nguyên đơn có được thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện không? thay đổi, bổ sung ở giai đoạn nào? Và thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện như thế nào để được Tòa án chấp thuận giải quyết?

Để giải quyết những vướng mắc và thông nhất trong quá trình áp dụng pháp luật để giải quyết vụ án dân sự, Tòa án nhân dân tối cao đã có Công văn số 01/2017/GĐ – TANDTC  ngày 07/4/2017 giải đáp một số vấn đề nghiệp vụ, trong đó tại mục 7, Phần IV hướng dẫn:

– Tòa án chấp nhận việc nguyên đơn thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi, bổ sung được thực hiện trước thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải.

– Tại phiên họp và sau phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì Tòa án chỉ chấp nhận việc đương sự thay đổi yêu cầu khởi kiện nếu việc thay đổi yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu.

Ngoài ra, khoản 1 Điều 244 BLTTDS 2015 cũng quy định “Hội đồng xét xử chấp nhận việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của đương sự nếu việc thay đổi, bổ sung yêu cầu của họ không vượt quá phạm vi yêu cầu khởi kiện, yêu cầu phản tố hoặc yêu cầu độc lập ban đầu

Như vậy, trước thời điểm Tòa án mở phiên họp kiểm tra giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải thì đương sự được thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện (kể cả những yêu cầu ngoài phạm vi khởi kiện đã yêu cầu). Nếu đương sự thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện tại phiên họp và sau thời điểm mở phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải hoặc tại phiên tòa thì Tòa án chỉ chấp thuận những yêu cầu thay đổi, bổ sung nằm trong phạm vi khởi kiện ban đầu được ghi trong đơn khởi kiện.

Quy định, hướng dẫn này của Tòa án nhân dân tối cao tưởng chừng đã giải quyết được toàn bộ vấn đề liên quan đến việc thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện vụ án dân sự nhưng với hướng dẫn và quy định pháp luật trên lại đặt ra vấn đề: Phạm vi khởi kiện ban đầu là gì? Thế nào là thay đổi yêu cầu, bổ sung yêu cầu không vượt quá phạm vi khởi kiện ban đầu?. Hiện nay, chưa có quy định cụ thể cũng như văn bản hướng dẫn về vấn đề này do đó khi đưa ra yêu cầu thay đổi, bổ sung yêu cầu khởi kiện của đương sự, đương sự cần xác định đúng, đầy đủ phạm vi khởi kiện ban đầu đã đưa ra trong đơn khởi kiện, thời điểm đưa ra yêu cầu và những yêu cầu thay đổi, bổ sung phù hợp để đảm bảo Tòa án chấp nhận giải quyết, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự được bảo vệ một cách tối đa.

Leave a Reply

Your email address will not be published.