Tư vấn về tính hợp pháp của di chúc

Câu hỏi: Ông bà nội tôi sinh được 3 người con, gồm: bố tôi và chú B, chú C. Ông nội tôi mất sau bà nội 02 năm. Ông bà đều đi đột ngột nên chưa để lại di chúc nào cả. Đến năm nay, sau khi ông nội mất được 10 năm, chú B gọi gia đình tôi xuống để báo tin chú B mua lại cái nhà của ông bà tôi và chia tiền bố tôi và chú C không cần thông qua ý kiến của bố tôi. 02 chú gọi bố mẹ tôi xuống và đọc bản di chúc khi bà tôi mất, ông tôi mất chưa bao giờ thấy bố mẹ tôi nói là đã được biết một điều gì về tờ di chúc đó. Vậy xin hỏi, bản di chúc có phù hợp quy định pháp luật không?

Trả lời có tính chất tham khảo:

Cảm ơn Quý Khách hàng đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Intelico – Hà Nội. Theo thông tin Quý Khách hàng cung cấp, chúng tôi tư vấn như sau:

Các điều kiện hợp pháp của di chúc được quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự năm 2015, cụ thể như sau:

1. Di chúc được coi là hợp pháp phải có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lập di chúc minh mẫn, sáng suốt trong khi lập di chúc; không bị lừa dối, đe doạ, cưỡng ép;

b) Nội dung của di chúc không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội; hình thức di chúc không trái quy định của luật.

2. Di chúc của người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi phải được lập thành văn bản và phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý về việc lập di chúc.

3. Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản và có công chứng hoặc chứng thực.

4. Di chúc bằng văn bản không có công chứng, chứng thực chỉ được coi là hợp pháp, nếu có đủ các điều kiện được quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Di chúc miệng được coi là hợp pháp nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau khi người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng, người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng thì di chúc phải được công chứng viên hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực xác nhận chữ ký hoặc điểm chỉ của người làm chứng.”

Ngoài ra, nếu di chúc bằng văn bản không có người làm chứng, khi đó, người lập di chúc phải tự tay viết và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Trường hợp di chúc bằng văn bản có người làm chứng, theo Điều 634 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc. Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật này”.

Mặt khác, về người làm chứng, “Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

  1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.
  2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.
  3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi” – Điều 632 Bộ luật dân sự 2015.

Như vậy, bản di chúc của ông, bà bạn sẽ được coi là hợp pháp khi đáp ứng các điều kiện về nội dung và hình thức đã nêu trên.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Intelico – Hà Nội dựa trên thông tin Quý Khách hàng cung cấp, ý kiến tư vấn có thể không còn phù hợp trong trường hợp thông tin bạn cung cấp thay đổi. Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý, vui lòng liên hệ theo hotline 024.35373699 để được tư vấn cụ thể.

Trân trọng./.

Leave a Reply

Your email address will not be published.