Doanh nghiệp buộc người lao động làm việc để trả nợ?

Câu hỏi: Anh A là khách mua hàng của Công ty X theo Hợp đồng mua bán hàng hóa. Tuy nhiên đến thời hạn thanh toán, anh A không đủ khả năng thanh toán tiền hàng cho Công ty X. Vì vậy, Công ty X buộc anh A làm việc tại Công ty để trả nợ số tiền hàng đó. Vậy hành vi của Công ty X đối với anh A có vi phạm quy định pháp luật không?

Chúng tôi xin cảm ơn sự tin tưởng của Quý Khách hàng với Công ty Luật TNHH Intelico – Hà Nội. Căn cứ trên thông tin Quý Khách hàng cung cấp, chúng tôi xin đưa ra các ý kiến pháp lý như sau:

1. Căn cứ

– Bộ luật Lao động năm 2012;

– Bộ luật Lao động năm 2019;

– Nghị định số 28/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính.

2. Nội dung

            Điều 17 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng bao gồm:

(i) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, các chứng chỉ, văn bằng của người lao động.

(ii) Yêu cầu người lao động phải thực hiện các biện pháp bảo đảm bằng tiền, bằng tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

(iii) Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

Như vậy, việc Công ty X buộc anh A làm việc cho Công ty để trừ khoản nợ mà anh A không thanh toán tiền mua hàng cho Công ty X thuộc một trong những hành vi mà Công ty không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng. Đây là một trong những điểm mới của Bộ luật Lao động năm 2019 bởi Điều 20 Bộ luật Lao động năm 2012 chỉ quy định người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng bao gồm hành vi (i) và (ii).

Tuy nhiên, Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực lao động chỉ có quy định về xử phạt đối với hành vi (i) và (ii) nêu trên. Do đó, hiện nay chưa có chế tài xử phạt đối với hành vi Công ty buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho Công ty.

Bạn đọc có thể tham khảo thêm các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động theo quy định tại Điều 8 Bộ luật Lao động năm 2019 bao gồm:

– Phân biệt đối xử trong lao động.

– Ngược đãi người lao động, cưỡng bức lao động.

– Quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

– Lợi dụng dạy nghề, tập nghề để trục lợi, bóc lột sức lao động hoặc lôi kéo, dụ dỗ, ép buộc người học nghề, người tập nghề vào hoạt động trái pháp luật

– Sử dụng lao động chưa qua đào tạo, chưa có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia đối với nghề, công việc phải sử dụng lao động đã được đào tạo hoặc phải có chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia.

– Lôi kéo, dụ dỗ, hứa hẹn, quảng cáo gian dối hoặc thủ đoạn khác để lừa gạt người lao động hoặc để tuyển dụng người lao động với mục đích mua bán người, bóc lột, cưỡng bức lao động hoặc lợi dụng dịch vụ việc làm, hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện hành vi trái pháp luật.

– Sử dụng lao động chưa thành niên trái pháp luật.

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật TNHH Intelico – Hà Nội về hành vi buộc người lao động làm việc để trả nợ cho Công ty. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, Quý Khách hàng liên hệ ngay đến hotline 024.3537.3699 để được giải đáp và hỗ trợ.

Leave a Reply

Your email address will not be published.