Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh từ ngày 01/01/2021

Câu hỏi: Tháng 01/2020, tôi ký kết Hợp đồng dịch vụ đòi nợ với Công ty A để Công ty A đại diện tôi thu nợ từ chị H. Đến tháng 01/2021, Công ty A tiến hành thanh lý hợp đồng với tôi với lý do pháp luật không cho phép Công ty kinh doanh dịch vụ đòi nợ nữa. Vậy cho tôi hỏi có đúng là pháp luật không cho phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ nữa không? Nếu đúng thì hợp đồng giữa tôi với Công ty A được giải quyết như thế nào? Tôi xin chân thành cảm ơn.

Chúng tôi xin cảm ơn sự tin tưởng của Quý Khách hàng với Công ty Luật TNHH Intelico – Hà Nội. Căn cứ trên thông tin Quý Khách hàng cung cấp, chúng tôi xin đưa ra các ý kiến pháp lý như sau:

1.Căn cứ

– Luật Đầu tư năm 2014;

– Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư năm 2016;

– Luật Đầu tư năm 2020;

– Bộ luật Dân sự năm 2015;

– Nghị định số 104/2007/NĐ-CP.

2. Nội dung

Kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh

            Điều 6 Luật Đầu tư năm 2020, những ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh bao gồm:

– Kinh doanh các chất ma túy theo danh mục quy định tại Phụ lục I của Luật Đầu tư năm 2020;

– Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật theo danh mục quy định tại Phụ lục II của Luật Đầu tư năm 2020;

– Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật Đầu tư năm 2020;

– Kinh doanh mại dâm;

– Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;

– Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;

– Kinh doanh pháo nổ;

– Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

            Theo đó, từ ngày 01/01/2021 – ngày Luật Đầu tư năm 2020 có hiệu lực thi hành, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một trong những ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh. Đây là một trong những điểm mới của Luật Đầu tư năm 2020 so với Luật Đầu tư năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2016 (trước đây kinh doanh dịch vụ đòi nợ là ngành, nghề kinh doanh có điều kiện, chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 104/2007/NĐ-CP – Phụ lục 4 Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư năm 2014 và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2016).

Như vậy, trước ngày 01/01/2021, Công ty A kinh doanh dịch vụ đòi nợ khi đáp ứng điều kiện kinh doanh và thực hiện ký kết hợp đồng dịch vụ đòi nợ với anh/chị là phù hợp với quy định pháp luật. Tuy nhiên từ ngày 01/01/2021, Công ty A không được kinh doanh dịch vụ đòi nợ nữa vì ngành nghề này đang bị cấm theo quy định pháp luật hiện hành.

Thanh lý Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ

            Vì kinh doanh dịch vụ đòi nợ chuyển từ ngành nghề kinh doanh có điều kiện thành ngành nghề kinh doanh bị cấm theo pháp luật hiện hành, do đó khoản 5 Điều 77 Luật Đầu tư năm 2020 quy định chuyển tiếp đối với những hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ được ký kết trước ngày 01/01/2021 như sau:

“Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký kết trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành chấm dứt hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan”. Theo đó, các bên trong Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ sẽ tiến hành thanh lý hợp đồng theo quy định pháp luật dân sự và quy định khác có liên quan đến việc thanh lý.

Xét thấy, căn cứ chấm dứt Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ được quy định tại khoản 7 Điều 422 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Hợp đồng chấm dứt trong trường hợp sau đây: Trường hợp khác do luật định”. Do đó, việc các bên thỏa thuận về việc thanh lý hợp đồng không phải là căn cứ chấm dứt hợp đồng dịch vụ đòi nợ bởi trong mọi trường hợp Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ đều chấm dứt do Luật Đầu tư năm 2020 quy định.

            Như vậy, các bên trong Hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ cần nắm rõ các quy định pháp luật để có thể thỏa thuận trên tinh thần thiện chí, hợp tác. Trường hợp các bên không thỏa thuận được về việc thanh lý hợp đồng sẽ nhờ cơ quan có thẩm quyền can thiệp giải quyết.

Xử phạt khi kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ 01/01/2021

Như phân tích ở trên, kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một trong những ngành nghề bị cấm kinh doanh từ ngày 01/01/2021. Theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, trường hợp Công ty A tiếp tục kinh doanh hoạt động đòi nợ từ 01/01/2021 thì sẽ bị phạt từ . Đồng thời, biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được kinh doanh ngành nghề bị cấm.

Bởi việc vay – trả tiền là Hợp đồng vay tài sản (Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 2015) nên khi một trong hai bên không thực hiện nghĩa vụ theo Hợp đồng vay tài sản thì các bên có quyền khởi kiện ra Tòa án để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình (theo khoản 3 Điều 26, Điều 186 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015).

Trên đây là tư vấn của Công ty Luật TNHH Intelico – Hà Nội. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, Quý Khách hàng liên hệ ngay đến hotline 024.3537.3699 để được giải đáp và hỗ trợ.

Leave a Reply

Your email address will not be published.