Tranh chấp lối đi chung xử lý như thế nào?

Câu hỏi: Gia đình ông A và gia đình bà B là hàng xóm, giữa 02 nhà có một lối đi chung trên phần đất của gia đình bà B nhưng do một số mâu thuẫn giữa hai gia đình nên gia đình bà B đã xây tường rào chắn khiến gia đình ông A không thể sử dụng lối đi đó được nữa. Gia đình ông A muốn đi ra ngoài phải đi một lối đi khác khá xa. Trong việc này, gia đình ông A phải giải quyết như thế nào?

Trả lời: Cảm ơn Quý Khách hàng đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến Công ty Luật Intelico – Hà Nội. Về trường hợp của Quý Khách hàng, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

Theo thông tin Quý Khách hàng cung cấp, gia đình ông A và gia đình bà B có một lối đi chung trên diện tích đất của bà B nhưng nay gia đình bà B đã xây tường rào khiến gia đình ông A không thể sử dụng lối đi đó và không còn lối đi nào thuận tiện để ra ngoài.

Theo Khoản 1, Khoản 2 Điều 254 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về quyền về lối đi qua như sau:

1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

  1. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định”.

Có thể thấy, về nguyên tắc, chủ sở hữu có quyền chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản của mình – Điều 158 Bộ luật Dân sự năm 2015.

Tuy nhiên, ngoài quyền sở hữu, Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng quy định về quyền đối với bất động sản liền kề là một trong những quyền khác đối với tài sản (Điểm a Khoản 2 Điều 159 Bộ luật Dân sự năm 2015). Trong trường hợp của ông A, để đảm bảo quyền lợi của các chủ sở hữu bất động sản liền kề bị vây bọc, pháp luật dân sự đã quy định chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Như vậy, gia đình ông A có quyền yêu cầu gia đình bà B phá bỏ tường rào để khôi phục lại lối đi chung hoặc thương lượng lại về vị trí, chiều dài, chiều rộng của lối đi, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên. Tuy nhiên, để đảm bảo quyền lợi cho gia đình bà B, hai bên nên thỏa thuận bồi thường về phần lối đi chung.

Nếu gia đình bà B không đồng ý và phát sinh tranh chấp, ông A có thể yêu cầu hòa giải tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết.

Trên đây là nội dung tư vấn của Công ty Luật Intelico – Hà Nội dựa trên thông tin Quý Khách hàng cung cấp, ý kiến tư vấn có thể không còn phù hợp trong trường hợp thông tin Quý Khách hàng cung cấp thay đổi. Quý khách hàng có bất kỳ thắc mắc hoặc yêu cầu cung cấp dịch vụ pháp lý, vui lòng liên hệ theo hotline 024.35373699 để được tư vấn cụ thể.

Trân trọng./.

Leave a Reply

Your email address will not be published.